chat_skype
Go Top
  Đăng nhập       Đăng ký       Giỏ hàng

“Điểm sáng” dệt may trong “bức tranh” xuất siêu của Việt Nam

Thứ sáu, 11/10/2013, 11:28 GMT+7

tin chuyen nganh may mac, tin tuc may mac, xuat khau, quan ao

Theo Bộ Công Thương, tháng 9/2013, Việt Nam nhập siêu ở mức rất nhỏ vì vậy nhìn chung 9 tháng đầu năm chúng ta vẫn đang xuất siêu nhẹ. Đây là tín hiệu rất mừng khi đánh giá cán cân thương mại trong thời gian qua. Trong kết quả tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu những tháng qua, dệt may tiếp tục duy trì vai trò là ngành kinh tế nổi bật nhất.

        9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 97 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 30 mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất, dệt may là một trong hai ngành duy nhất đạt trên 10 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu dệt may 9 tháng/2013 đạt khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của ngành với tỷ trọng lần lượt là 49%, 15%, 12% và 9%. Có được kết quả này, bên cạnh việc các chính sách đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ phát huy tác dụng, bản thân các doanh nghiệp dệt may đã không ngừng nỗ lực và đưa ra những giải pháp đúng đắn, có hiệu quả cao.
 

        Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – TGĐ Tổng Công ty May 10- CTCP cho biết 9 tháng qua, May 10 nói riêng và các DN dệt may nói chung đều có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt. Kim ngạch xuất khẩu của May 10 tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoài, thị phần tại các thị trường truyền thống vốn cho là bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục ổn định. May10 coi khủng hoảng là cơ hội để khẳng định vị thế và bứt phá. Cụ thể, Tổng Công ty tập trung nguồn lực lớn vào khâu xúc tiến thị trường với đội ngũ nhân lực trẻ, năng động và kiến thức nghiệp vụ sâu sắc. Cùng với các chương trình xúc tiến thương mại, May 10 tiếp tục củng cố vị trí tại các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng thêm các thị trường ngách  tiềm năng.

        Ngay với một doanh nghiệp còn non trẻ và quy mô nhỏ như Công ty CP May Đáp Cầu, Ban giám đốc cũng vui mừng thông báo tính tới cuối tháng 9/2013, Công ty đã đạt hơn 80% kế hoạch năm. Dự kiến về đích sớm với tổng doanh thu hơn 720 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 22 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, May Đáp Cầu đã ký được hợp đồng đủ cho sản xuất hết tháng 4.2014.
 

        Một tín hiệu vui nữa đến với một ngành xuất siêu như dệt may. Nếu những năm trước tỉ lệ nội địa hoá trong hàng xuất khẩu của dệt may Việt Nam chỉ đạt 20-30% thì đến nay con số này đã là 40-50%, thậm chí, đối với các doanh nghiệp của Tập đoàn Dệt May, tỉ lệ này còn cao hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc nhập khẩu NPL của ngành giảm đi đáng kể trong thời gian qua. Con số này còn cho thấy hướng đi theo phương pháp sản xuất ODM mà Tập đoàn đang áp dụng bước đầu phát huy tác dụng. ODM mang lại giá trị thặng dư cao hơn cho sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ có thêm lợi nhuận, đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, đặc biệt là chăm lo đời sống cho người lao động tốt hơn.
 


 

        Mở rộng thị trường nội địa cũng là một trong những lý do khiến nhập khẩu không còn tăng mạnh mẽ như trước. Sự đầu tư của doanh nghiệp trong thiết kế, sản xuất, chuyển giao công nghệ và thương hiệu đã tạo cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng hàng may mặc chất lượng cao, có tiêu chuẩn không thua kém gì hàng nhập khẩu. Pierre Cardin (An Phước), San Sciaro (Việt Tiến), Mattana (Nhà Bè)… đang dần trở thành những thương hiệu thế giới được Việt hoá mà người tiêu dùng Việt Nam yêu thích. Tháng 11 tới đây, tại Hội chợ Thời trang Việt Nam VIFF 2013, một lần nữa người yêu thích thời trang Việt sẽ có cơ hội chọn lựa và mua sắm cho mình và gia đình những sản phẩm may mặc chất lượng cao và giá thành hợp lý.

        Nếu tình hình thị trường trong và ngoài nước diễn biến như 4 tháng vừa qua, ngành Dệt May hoàn toàn có thể đạt được kế hoạch đã đề ra và tiếp tục đóng góp vào “bức tranh” xuất siêu năm thứ 2 liên tiếp của Việt Nam.

Theo Vinatex


admin